70e27ae7321aca44930b

9 THÔNG TƯ TRONG LĨNH VỰC XÂY DỰNG CHÍNH THỨC CÓ HIỆU LỰC TỪ ngày 15/02/2020

Nội dung

Hướng tới mục tiêu thống nhất và đồng bộ trong quản lí, ngày 26/12/2019 Bộ Xây dựng đã ban hành tới 9 Thông tư mới và toàn bộ đều sẽ có hiệu lực vào ngày 15/02/2020.Cụ thể, những thông tư này bao gồm:

1. Thông tư 10/2019/TT-BXD về việc ban hành Định mức xây dựng.

Nội dung định mức dự toán khảo sát xây dựng công trình bao gồm: mã hiệu, tên công tác, đơn vị tính, thành phần công việc, quy định áp dụng (nếu có) và bảng các hao phí định mức. Thành phần công việc quy định nội dung các bước công việc từ khi chuẩn bị đến khi hoàn thành công tác khảo sát theo điều kiện kỹ thuật, biện pháp thi công và phạm vi thực hiện công việc. Các hao phí định mức gồm mức hao phí vật liệu, lao động và máy thi công.

Trong đó, mức hao phí vật liệu là số lượng vật liệu chính, vật liệu khác cần thiết cho việc hoàn thành một đơn vị khối lượng công tác khảo sát xây dựng. Mức hao phí lao động là số ngày công lao động của kỹ sư, công nhân trực tiếp cần thiết để hoàn thành một đơn vị khối lượng công tác khảo sát xây dựng. Mức hao phí máy thi công là số ca sử dụng máy thi công trực tiếp thi công, máy phục vụ cần thiết để hoàn thành một đơn vị khối lượng công tác kháo sát xây dựng.

2. Thông tư 11/2019/TT-BXD về việc hướng dẫn xác định giá ca máy và thiết bị thi công xây dựng.

Theo đó, việc xác định giá ca máy phải được thực hiện dựa trên các nguyên tắc: Giá ca máy là mức chi phí bình quân xác định có một ca làm việc theo quy định của máy và thiết bị thi công; Giá ca máy được xác định trên cơ sở yêu cầu quản lý sử dụng máy và thiết bị thi công xây dựng; Giá ca máy được xác định phù hợp quy về máy thi công xây dựng trong định mức dự toán; Giá ca máy được xác định theo loại máy thi công sử dụng hoặc dự kiến sử dụng.

Việc định giá ca máy bao gồm xác định toàn bộ hoặc một số các khoản mục chi phí như chi phí khấu hao, chi phí sửa chữa, chi phí nhiên liệu, năng lượng, chi phí nhân công điều khiển và chi phí khác của máy. Giá ca máy không bao gồm chi phí cho các loại công tác xây dựng nhà bao che cho máy, nền móng máy, hệ thống cấp điện, nước, khí nén và các loại công tác khác phục vụ cho việc lắp đặt, vận hành thử của một số máy như trạm trộn bê tông, xi măng, cần trục di chuyển…

3. Thông tư 12/2019/TT-BXD về việc hướng dẫn xây dựng và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức, giá xây dựng và chỉ số giá xây dựng.

Theo đó, cơ quan chuyên môn về xây dựng của các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành phải cung cấp các thông tin, dữ liệu về định mức, giá xây dựng và chỉ số giá xây dựng trong vòng 10 ngày, kể từ ngày ban hành. Các Sở Xây dựng cũng có trách nhiệm cung cấp các thông tin, dữ liệu về giá vật liệu xây dựng định kỳ hàng tháng trên hệ thống cơ sở dữ liệu trước ngày đầu tiên của tháng sau và cung cấp dữ liệu về định mức, giá xây dựng, chỉ số xây dựng trong 10 ngày, từ ngày ban hành.

Bên cạnh đó, chủ đầu tư, ban quản lý dự án các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư, dự án sử dụng vốn Nhà nước cũng có trách nhiệm cung cấp thông tin, dữ liệu của dự án đầu tư xây dựng trong 10 ngày, từ khi có quyết định phê duyệt; cung cấp thông tin, dữ liệu về hợp đồng xây dựng trong 10 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng…

4. Thông tư 13/2019/TT-BXD quy định việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng các công trình XD thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Cụ thể, Chi phí quản lý dự án bằng 2,763% chi phí xây dựng và chi phí thiết bị. dự toán xây dựng công trình bao gồm chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác và chi phí dự phòng. Trong đó, chi phí quản lý dự án được xác định bằng 2,763% chi phí xây dựng và chi phí thiết bị (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) trong Báo cáo kinh tế – kỹ thuật hoặc trong hồ sơ xây dựng công trình được duyệt. Đối với dự án là dự án đầu tư xây dựng trên biển, đảo, trải dài theo tuyến biên giới đất liền hoặc tại các vùng kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thì chi phí này được tính bằng 2,763% x 1,35.

Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng bao gồm: Chi phí khảo sát xây dựng, chi phí lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật hoặc Hồ sơ xây dựng công trình, chi phí lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu, chi phí giám sát thi công xây dựng và chi phí giám sát lắp đặt thiết bị. Trong đó, chi phí lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật hoặc Hồ sơ xây dựng công trình được tính bằng 2,5% chi phí xây dựng và chi phí thiết bị (không bao gồm thuế VAT).

5. Thông tư 14/2019/TT-BXD về việc hướng dẫn xác định và quản lý chỉ số giá xây dựng.

Chỉ số giá xây dựng được xác định và quản lý dựa trên các nguyên tắc: Chỉ số giá xây dựng phải phản ánh khách quan và phù hợp với sự biến động về giá cả trên thị trường xây dựng tại các địa phương; Việc xác định và công bố chỉ số giá xây dựng phải kịp thời, phù hợp với sự biến động về giá cả trên thị trường xây dựng tại các địa phương… Ngoài ra, khi xác định chỉ số giá xây dựng để công bố thì phải lựa chọn được danh mục và số lượng công trình đại diện nhất định để tính toán.

Đối với chỉ số giá xây dựng xác định cho loại công trình thì phải lựa chọn các công trình đại diện cho loại công trình đó. Số lượng công trình đại diện được xác định tùy theo điều kiện của từng địa phương nhưng tối thiểu là 03 công trình. Trường hợp xây dựng chỉ số giá cho một công trình cụ thể thì công trình đó được coi là công trình đại diện.

6. Thông tư 15/2019/TT-BXD về việc hướng dẫn xác định đơn giá nhân công xây dựng.

Theo đó, khung đơn giá nhân công xây dựng được công bố cho 04 vùng theo quy định của Chính phủ về lương tối thiểu vùng, cụ thể như sau:

Trước hết, giá nhân công của công nhân xây dựng, lái xe, vận hành máy và thiết bị thi công, kỹ sư khảo sát xây dựng vùng I từ 213.000 – 280.000 đồng/ngày; vùng II từ 195.000 – 260.000 đồng/ngày; vùng III từ 180.000 – 246.000 đồng/ngày; vùng IV từ 172.000 – 237.000 đồng/ngày.

Tiếp theo, giá nhân công của nghệ nhân, thợ lặn vùng I từ 590.000 – 620.000 đồng/ngày; vùng II từ 540.000 – 568.000 đồng/ngày; vùng III từ 504.000 – 527.000 đồng/ngày; vùng IV từ 479.000 – 502.000 đồng/ngày.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng ban hành khung đơn giá nhân công tư vấn xây dựng như sau: Kỹ sư cao cấp, chủ nhiệm dự án dao động từ 560.000 đồng – 1,5 triệu đồng/ngày; Kỹ sư chính, chủ nhiệm bộ môn dao động từ 400.000 đồng – 1,15 triệu đồng/ngày; Kỹ sư dao động từ 280.000 – 770.000 đồng/ngày; Kỹ thuật viên trình độ trung cấp, cao đẳng, đào tạo nghề dao động từ 251.000 – 580.000 đồng/ngày.

7. Thông tư 16/2019/TT-BXD về việc hướng dẫn xác định chi phí quản lý dự án và tư vấn đầu tư xây dựng.

Chi phí tư vấn được xác định dựa trên cơ sở mức tỷ lệ phần trăm tương ứng với quy mô chi phí xây dựng, quy mô chi phí thiết bị hoặc quy mô chi phí xây dựng và thiết bị. Đối với trường hợp lập hồ sơ bằng tiếng nước ngoài thì chi phí lập hồ sơ này được bổ sung vào chi phí tư vấn và xác định bằng lập dự toán nhưng tối đa bằng 15% chi phí tư vấn xác định theo định mức đã quy định.

Trong trường hợp, thuê cá nhân, tổ chức tư vấn thực hiện một số yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình kiểm tra công tác nghiệm thu công trình thì chi phí này được xác định bằng dự toán phù hợp với nội dung, công việc thực hiện. Đối với trường hợp thuê tổ chức tư vấn trong nước phối hợp với chuyên gia tư vấn nước ngoài thì chi phí thuê tư vấn được xác định bằng dự toán chi phí nhưng tối đa là 02 lần mức chi phí theo quy định của pháp luật.

8. Thông tư 17/2019/TT-BXD của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn đo bóc khối lượng xây dựng công trình.

Thông tư chỉ rõ, đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, việc đo bóc khối lượng xây dựng công trình phải tuân thủ các nguyên tắc như: Phù hợp với mục đích sử dụng; thể hiện được tính chất, kết cấu công trình, vật liệu chủ yếu sử dụng; được phép đưa ra “khối lượng tạm tính”, sau đó đo bóc tính toán lại khi nghiệm thu…

Các phương pháp đo bóc khối lượng gồm: Đo bóc theo diện tích, quy mô công suất hoặc năng lực phục vụ theo thiết kế công trình; đo bóc theo nhóm công tác xây dựng, đơn vị kết cấu hoặc bộ phận công trình; đo bóc khối lượng theo công tác xây dựng.

Khi lập hồ sơ mời thầu, chủ đầu tư phải quy định rõ nguyên tắc, phương pháp đo bóc khối lượng khi nghiệm thu, thanh toán và quyết toán hợp đồng. Nếu trong hợp đồng không có thỏa thuận khác, công tác đo bóc được thực hiện trong các công tác xây dựng chủ yếu: phá dỡ; xây; cốt thép; làm đường; đường ống; kết cấu thép; hoàn thiện… theo quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư.

9. Thông tư 18/2019/TT-BXD về việc hướng dẫn quy đổi vốn đầu tư xây dựng.

Theo đó, quy đổi vốn đầu tư xây dựng là quy đổi các khoản mục chi phí gồm: Chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (nếu có); chi phí xây dựng; chi phí thiết bị; chi phí quản lý dự án; chi phí tư vấn đầu tư xây dựng và chi phí khác.

Cần chú ý, quy đổi vốn đầu tư xây dựng phải phản ánh đủ các chi phí đầu tư đã thực hiện của dự án đầu tư xây dựng về thời điểm quy đổi. Trường hợp giá trị sau khi quy đổi nhỏ hơn giá trị đầu tư đã thực hiện được quyết toán thì sử dụng giá trị quyết toán chi phí đầu tư là giá trị quy đổi. Đối với dự án đầu tư xây dựng có chi phí lãi vay trong quá trình đầu tư thì chi phí này được giữ nguyên vào giá trị quy đổi của công trình.

Bên cạnh đó, báo cáo quy đổi vốn đầu tư xây dựng được lập với hồ sơ quyết toán để trình người quyết định đầu tư phê duyệt chậm nhất là 09 tháng kể từ ngày công trình được ký biên bản nghiệm thu hoàn thành, bàn giao đưa vào khai thác, sử dụng.

Link bài viết gốc đính kèm bản đầy đủ các Thông tư: http://bit.ly/39GE2uk

Trên đây là bài tổng hợp 9 Thông tư quan trọng ngành Xây dựng chính thức có hiệu lực từ ngày 15/02/2020. Hi vọng sẽ cung cấp được nhiều thông tin hữu ích dành cho bạn. Cảm ơn  đã theo dõi và ủng hộ LPC!

MỚI NHẤT
Đánh giá thị trường vật liệu xây dựng
Tin tức - Sự kiện
Thị trường vật liệu xây dựng chờ “sóng” đầu tư công

Vật liệu xây dựng (VLXD) – Ngành công nghiệp nhiều thăng trầm tại thị trường Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất cơ bản như xi măng, thép,… đang trong tình trạng dư cung, đối mặt với những khoản lỗ ròng dẫn đến phải đóng cửa một số lò sản xuất, thu gọn bộ máy.

thiết kế kết cấu trong xây dựng
Tin tức - Sự kiện
TOP 3 PHẦN MỀM THIẾT KẾ KẾT CẤU DÙNG TRONG SÀN PHẲNG KHÔNG DẦM

Thiết kế kết cấu là quá trình sáng tạo và tính toán các yếu tố kỹ thuật và cấu trúc của một công trình xây dựng. Nó liên quan đến việc xác định các thành phần và kết cấu của công trình để đảm bảo tính an toàn, ổn định và chịu lực trong quá trình hoạt động.