Thời gian vừa qua là giai đoạn thử thách sức chịu đựng của nhiều doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng trước áp lực tăng giá của các nguyên vật liệu đầu vào, vật liệu xây dựng. Không chỉ giá sắt thép tăng cao (Khoảng 40%) mà gần như giá tất cả các loại nguyên vật liệu như: xi măng, cát, đá, nhôm, kính… đều đang “leo thang” đã kiến nhiều doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng phải liêu xiêu.
Liêu xiêu “bão giá” vật liệu xây dựng
Theo Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, do hầu hết các chủ đầu tư đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định không điều chỉnh ở thời điểm ký kết cho nên phải tự bù lỗ khi giá nguyên vật liệu tăng. Đơn cử như giá thép thường chiếm khoảng 20% trong tổng giá trị Dự án, nên việc giá mặt hàng này tăng mạnh đã khiến chi phí xây dựng đội lên cao hơn so với trước đây. Ngoài ra, nhiều loại vật liệu xây dựng khác như gạch, cát, đá, xi măng… cũng đồng loạt tăng giá theo, gây áp lực lớn cho các nhà thầu
Đến thời điểm này, giá thép xây dựng dường như vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, việc các nguyên – nhiên liệu sản xuất thép tăng trở lại khiến giá thép liên tục bị đẩy lên cao. Cụ thể, tính từ đầu năm 2021 đến nay, giá thép đã tăng 7 lần, tổng mức tăng lên đến 2.4 triệu đồng/tấn, từ mức 16.5-17 triệu đồng/tấn lên hơn 19 triệu đồng/tấn. Hiện mức giá của nhiều loại thép xây dựng trên thị trường như: Việt Ý, Pomina, Thép Thái Nguyên, Hòa Phát,… vào khoảng 20 triệu đồng/tấn.
Tính riêng từ đầu năm 2022, các loại vật liệu xây dựng tăng giá mạnh theo giá xăng dầu cũng như chịu tác động bởi căng thẳng Nga – Ukraine đã tác động trực tiếp tới giá thành xây dựng các công trình, dự án đầu tư công. Giá thép xây dựng liên tục tăng mạnh 600.000 – 1.400.000 đồng/tấn tùy loại.
Trong khi đó, các loại vật liệu xây dựng khác như cát, gạch cũng tăng khá mạnh. Thống kê trong 3 tháng đầu năm 2022 của các hiệp hội liên quan tới xây dựng và vật liệu xây dựng cho thấy, nhiều loại vật liệu xây dựng tiếp tục tăng giá mạnh, trong đó một số mặt hàng có mức tăng vượt đỉnh, chẳng hạn xi – măng hiện tăng 100.000 đồng/tấn tùy thương hiệu.. Đặc biệt xi – măng trong nước đang chịu áp lực tăng giá lớn khi các nhiên liệu đầu vào như than, xăng dầu tăng giá..
Các nguyên vật liệu như: thép, xi măng, cát, sỏi, nhân công… đều tăng đáng kể, phần lớn hợp đồng ký với chủ đầu tư lại theo hình thức trọn gói hoặc đơn giá cố định nên nhà thầu không chỉ giảm lợi nhuận mà còn đứng trước nguy cơ thua lỗ nếu không có biện pháp ứng phó hoặc tháo gỡ khó khăn kịp thời.
Tác động từ “bão giá” vật liệu xây dựng
Thực tế, việc liên tục tăng giá vượt ngoài khả năng dự báo và tác động tiêu cực đến các hoạt động đầu tư xây dựng việc thực hiện các hợp đồng xây dựng, nhất là các hợp đồng theo đơn giá cố định, hợp đồng trọn gói,… Điều này dẫn đến tình trạng tại một số gói thầu, dự án có hiện tượng nhà thầu cầm chừng, cá biệt có trường hợp dừng thi công do không đủ nguồn lực để thực hiện, làm chậm tiến độ công trình, dự án.
Giá vật liệu tăng cao còn dẫn đến hệ lụy các dự án đầu tư xây dựng đang thực hiện các khả năng bị đội vốn, chi phí thực hiện vượt so với tổng mức đầu tư, dự toán đã được phê duyệt.
Thâm chí, có nhà thầu đã chọn giải pháp thay vì thi công cầm chừng chờ giá vật liệu xây dựng giảm xuống thì phải đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thi công nhằm hạn chế ảnh hưởng từ giá vật liệu có thể tiếp tục tăng. Đồng thời, triệt để tiết kiệm các chi phí khác. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn huy động nguồn vốn của cổ đông và vốn tự của đơn vị để chủ động mua đầy đủ vật liệu xây dựng phục vụ thi công …
Trước tình hình giá cả nguyên vật liệu xây dựng chính đang có nhiều biến động trong xu thế tăng, khó dự báo ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động đầu tư xây dựng, nhiều địa phương đã tổ chức xác định giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng bám sát diễn biến của thị trường và công bố kịp thời, theo định kỳ hàng tháng, tuy nhiên vẫn còn một số địa phương xác định giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo quý, công bố chậm, chưa bám sát diễn biến thị trường hoặc chưa bám sát giá thị trường.
Ngoài ra, nhiều danh mục công bố còn thiếu một số vật liệu xây dựng chủ yếu.. Nếu tình trạng này còn kéo dài sẽ gây khó khăn, vướng mắc cho công tác lập, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng của các chủ thể liên quan, ảnh hướng tiến độ thực hiện và công tác giải ngân của các Dự án.
Thiết nghĩ, với sự vào cuộc đồng bộ của Chính phủ, các Bộ, ngành và các địa phương, những khó khăn của doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng trong việc đối mặt “bão giá” nguyên vật liệu xây dựng sẽ dần được tháo gỡ một cách thực tế, kịp thời.
Tuy nhiên, để bình ổn thị trường dài lâu và giảm thiểu những hệ lụy không đáng có từ việc giá vật liệu xây dựng tăng cao, Nhà nước cần có sự can thiệp bằng các công cụ quản lý vĩ mô theo thẩm quyền.
Hơn lúc nào hết, ngay bây giờ, chúng ta cần một chiến lược phát triển tổng thể ngành công nghiệp cung ứng vật liệu xây dựng đồng bộ trong mối liên kết hữu cơ phía cung cấp nguyên liệu và các ngành sử dụng vật liệu xây dựng chứ không chỉ đơn thuần là giải pháp tình thế để đối phó khi sự việc xảy ra và quẩn quanh nghĩ chuyện quản lý giá, trong khi doanh nghiệp và các nhà thầu thì mãi cứ liêu xiêu vì liên tục phải đối mặt “bão giá”
Tham khảo: Vật liệu thép và tối ưu hàm lượng thép trong xây dựng
——Công Ty TNHH xây dựng Lâm Phạm – LPC
Hotline: 0911.29.9696
Website: https://lpc.vn
Facebook: Lam Pham Construction
Nguồn: ĐCSVN