Search

CÔNG TRÌNH XANH – VÌ SAO NHIỀU CHỦ ĐẦU TƯ LẠI QUYẾT ĐỊNH XÂY DỰNG CHO NHÀ Ở XÃ HỘI ?

Những năm gần đây, yếu tố xanh trong các dự án bất động sản công trình xanh của Việt Nam đã được quan tâm và phát triển nhiều hơn. Với lợi ích thiết thực là hạn chế tác động xấu tới môi trường, các công trình xanh còn đem đến điều kiện sống tốt hơn cho người sử dụng

Xây dựng nhà ở xã hội đã khó, nên việc đưa tiêu chí “xanh” vào đối tượng này cũng gặp không ít khó khăn cho các Chủ Đầu tư. Tuy nhiên, thách thức này lại luôn đem lại nguồn cảm hứng để các Chủ Đầu tư và đơn vị thiết kế tạo nên các công trình xanh đẹp. Nó cũng là nhu cầu thiết yếu của doanh nghiệp để giữ chân CN của mình.

Ông Đỗ Đức Đạt – Tổng giám đốc Capital House, người đã “dũng cảm” bỏ ra 2 triệu USD tài trợ cho các dự án với mục tiêu mong muốn ngày càng nhiều công trình xây dựng xanh trên đất nước Việt Nam, rằng: “Tại sao công trình xanh cứ nhất thiết phải là công trình cao cấp? Nhà ở xã hội của Singapore đã tiếp cận với công trình xanh. Và tôi nghĩ, mỗi người dân Việt Nam đều xứng đáng được thụ hưởng điều này”.

Công trình xanh (hay còn gọi là kiến trúc xanh hoặc toà nhà thân thiện môi trường) là sự kết hợp giữa kiến trúc và áp dụng quá trình mang tính chất thân thiện với môi trường và tận dụng tối ưu tài nguyên trong suốt toàn bộ chu kì hoàn thành của một toà nhà: từ lúc lên kế hoạch thiết kế, xây dựng, hoạt động, bảo trì, cải tạo và phá huỷ. Điều này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ của nhà thầu, kiến trúc sư, kỹ sư và khách hàng ở tất cả các giai đoạn của dự án. Việc thực hiện Công trình xanh mở rộng và bổ sung các mối liên quan về kinh tế tiện ích, sự bền vững và thoải mái trong các thiết kế kiến trúc cổ điển.

Hiện tại có rất nhiều tiêu chí để đánh giá về chất lượng Công trình xanh tại Việt Nam. Và đương nhiên mỗi tiêu chuẩn sẽ có những nhận đinh, đánh giá khác nhau. Vậy đối với Chủ Đầu tư dự án Nhà ở xã hội thì sao?

1. Giảm thiểu chi phí vận hành và duy tu công trình

Công trình xanh thường được cho là có chi phí xây dựng quá cao, thiếu tính khả thi về mặt tài chính. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra chi phí xây dựng công trình xanh cao hơn không đáng kể so với các dự án xây dựng thông thường. Nhìn chung, áp dụng thiết kế xanh ngay từ khi bắt đầu dự án là phương pháp hiệu quả để hạn chế chi phí phụ trội. Thêm vào đó, công trình xanh còn mang lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế.

  • Tiết kiệm năng lượng và nước. Hiệu quả sử dụng tài nguyên nhờ vào thiết kế và công nghệ xanh giúp giảm thiểu đáng kể chi phí vận hành, nhanh chóng bù lại cho các chi phí phụ trội của dự án cũng như tiết kiệm về lâu dài. Số tiền trước đây dành cho chi phí tiện ích có thể được sử dụng cho những mục đích khác.
  • Gia tăng giá trị công trình: Trước thực trạng các chi phí năng lượng tăng, chi phí vận hành thấp và bảo trì dễ dàng sẽ giúp giảm tỷ lệ diện tích trống và tăng giá trị công trình.
  • Giảm áp lực cơ sở hạ tầng. Công trình sử dụng năng lượng hiệu quả làm giảm nhu cầu đặt ra cho lưới điện và hệ thống cấp nước địa phương, giúp tối ưu công suất của hệ thống cơ sở hạ tầng.
  • Nâng cao năng suất lao động. Năng suất lao động của nhân viên tỷ lệ thuận với điều kiện môi trường bên trong công trình, là minh chứng cho những cải thiện đạt được khi áp dụng các nguyên tắc xanh
  • Công trình xanh có sự tính toán đến chi phí trong toàn bộ vòng đời của công trình, trong khi công trình thông thường chỉ tập trung vào chi phí thiết kế và xây dựng ban đầu.

2. Đảm bảo sức khỏe và tiện nghi cho người sử dụng công trình

  • Cải thiện sức khỏe. Chất lượng môi trường bên trong công trình không đảm bảo do các nguyên nhân như thiếu sự không khí, thiếu ánh sáng, ẩm mốc, chênh lệch nhiệt độ, chất liệu đồ nội thất, thuốc trừ sâu, chất kết dính và sơn độc hại, nồng độ chất ô nhiễm cao (thường cao hơn ngoài trời 10 đến 100 lần) góp phần gây ra các bệnh về hô hấp, dị ứng, buồn nôn, đau đầu và phát ban. Công trình xanh chú trọng đến hệ thống thông gió và các vật liệu không độc hại, ít phát thải nhằm tạo nên môi trường sống và làm việc tiện nghi và an toàn cho sức khỏe con người.
  • Nâng cao chất lượng cuộc sống. Việc các chủ đầu tư xác định cung cấp đày đủ các tiện nghi cuộc sống như Trường học, Trạm y tế, Trung tâm Thương mại, Nhà Văn hóa thiết kế xanh có môi trường và không khí trong lành hơn, làm giảm tình trạng nghỉ bệnh và nâng cao cuộc sống. Giúp CN thoải mái trong công việc
  • Lối sống và giải trí lành mạnh hơn. Yếu tố cốt lõi của thiết kế bền vững chính là giữ gìn môi trường tự nhiên. Điều đó mang đến rất nhiều cơ hội rèn luyện và giải trí. Công trình xanh hướng tới tạo điều kiện khuyến khích sử dụng xe đạp và các phương tiện giao thông công cộng, nhờ đó giảm áp lực cho hệ thống giao thông cũng như tăng cường sức khỏe cho con người.

3. Bảo vệ môi trường

  • Giảm khí thải: Chất gây ô nhiễm từ nhà máy nhiệt điện là một phần nguyên nhân của biến đổi khí hậu, gây nên các vấn đề về chất lượng không khí như mưa a-xít hay sương khói và đe dọa sức khỏe con người. Các giải pháp công trình xanh như sử dụng năng lượng mặt trời, chiếu sáng tự nhiên và các tiện ích giao thông công cộng làm tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm khí thải độc hại.
  • Bảo tồn nguồn nước: Tái chế nước mưa và nước xám để sử dụng cho nhà vệ sinh và tưới tiêu có thể giúp tiết kiệm đáng kể nước sinh hoạt và bảo tồn tài nguyên nước.
  • Quản lý nước mưa: Nước mưa chảy tràn có thể gây xói mòn, ngập lụt và mang theo chất gây ô nhiễm vào nguồn nước. Công trình có thể kiểm soát và tận dụng nguồn nước mưa bằng các phương pháp như thu nước mưa, chuyển hướng dòng chảy, sử dụng vật liệu thấm nước cho cảnh quan hoặc lắp đặt mái xanh.
  • Điều hòa nhiệt độ. Đặc tính giữ nhiệt của các tòa nhà cao tầng và vật liệu xây dựng như bê tông hay nhựa đường là nguyên nhân chính gây ra hiệu ứng đảo nhiệt đô thị. Dự án có thể góp phần giải quyết vấn đề này nhờ tối ưu thiết kế, lựa chọn khu đất cũng như trồng thêm nhiều cây xanh trong khu đất xây dựng.
  • Giảm thiểu chất thải và ô nhiễm: Việc giảm thiểu phát thải đòi hỏi sự tính toán tỉ mỉ xuyên suốt quá trình thiết kế, xây dựng và vận hành công trình. Công trình xanh giúp hạn chế tác động tiêu cực tới môi trường thông qua chiến lược 3R (Giảm thiểu – Tái sử dụng – Tái chế). Ví dụ, khi giảm diện tích không thấm nước, công trình có thể góp phần giảm lượng nước mưa chảy tràn và nhiệt độ bề mặt cảnh quan. Chúng ta cũng có rất nhiều cơ hội tái sử dụng những kết cấu có sẵn hay tái chế, tái sử dụng vật liệu trong khu vực công trình.

4. Tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường

Việc phát triển các dự án Công trình Xanh Nhà ở Xã hội, Nhà ở Công nhân đã trở thành lợi thế cạnh tranh của các Chủ Đầu tư trên thị trường Xây dựng và Bất Động sản. Không chỉ đem lại lợi ích cho bản thân doanh nghiệp, khách hàng mà còn cho cả xã hội

Các công trình xanh khi vận hành cũng góp phần không nhỏ đối với quá trình phát triển đô thị như giảm thiểu tác động xã hội; tạo lập môi trường sống bền vững; thay đổi và chỉnh trang hạ tầng kiến trúc; quảng bá hình ảnh đô thị; thu hút đầu tư nước ngoài vào TP và phát triển kinh tế du lịch.

cong-trinh-xanh

Việc xây dựng tập trung nghiên cứu và thúc đẩy các Công trình xanh đối với các hạng mục Nhà ở xã hội , Nhà ở Công nhân không những mang lại lợi ích cho Chủ Đầu tư, còn mang đến lợi ích cho toàn xã hội.