Thi công xây dựng là quá trình các nhà đầu tư, kiến trúc sư lên kế hoạch, tư vấn giám sát và quản lý các đội thi công để hoàn thành công trình.
Với đặc thù ngành nghề thi công xây dựng có rất nhiều rủi ro và mức độ nguy hiểm cao, việc mất an toàn lao động thường xuyên xảy ra một phần do công tác quản lý của chủ thầu và các đơn vị liên quan còn sơ sài, lỏng lẻo, một phần cũng do sự chủ quan của chính người lao động trong việc bảo vệ an toàn của bản thân.
Do đó, để giảm thiểu những tai nạn lao động đáng tiếc, các đơn vị nhà thầu cần xem xét kĩ càng hoạt động quản lý an toàn thi công cũng như mỗi người lao động nên trang bị cho mình những lưu ý cơ bản khi tham gia thi công.
Thực trạng an toàn thi công
Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2015, cả nước đã xảy ra 7.620 vụ tai nạn lao động làm chết 666 người, 7.785 người bị thương và thiệt hại 153,97 tỷ đồng. Trong đó, xây dựng là lĩnh vực dẫn đầu số vụ tai nạn chết người với 35% tổng số vụ tai nạn chết người và 37,9% tổng số người chết. Điều này khiến nhiều người phải đặt ra câu hỏi: Liệu mức độ an toàn trong thi công xây dựng tại các công trường đang chưa thực sự được quan tâm đúng mực?
Nguyên nhân mất an toàn lao động
Phân tích về nguyên nhân các vụ việc, ông Đỗ Phi Hùng, phó giám đốc Sở xây dựng TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Nguyên nhân là do một số chủ thầu không có hồ sơ tính toán về đảm bảo an toàn; việc tập huấn cho công nhân theo chuyên đề xây dựng công trình đặc thù, nhất là nhà cao tầng…còn hạn chế.”
Thêm vào đó, nắm bắt thực tế đa phần người lao động đều là người ngoại tỉnh trôi dạt về thành phố kiếm thu nhập, nhiều chủ thầu đã tận dụng thuê mướn nhân công với giá rẻ, lỏng lẻo trong công tác hợp đồng lao động và bảo hiểm lao động. Bên cạnh đó, sự lơ là trong quá trình quản lý quy trình và huấn luyện an toàn lao động cho người lao động, sự thiếu tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thiết bị xây dựng góp phần ra 52,8% số vụ tai nạn lao động.
Điều đáng nói, mỗi khi có sự cố tai nạn lao động, chủ đầu tư hoặc đơn vị thi công chỉ đền bù thiệt hại về vật chất, tinh thần cho gia đình nạn nhân, rất ít vụ khởi tố điều tra, xử lý nghiêm khắc những cá nhân, tập thể liên quan. Chính vì vậy, vấn đề thi công xây dựng an toàn tại nhiều công trường xây dựng vẫn chưa được quan tâm đúng mức, từ đó nhiều vụ tai nạn thương tâm vẫn tiếp tục xảy ra.
Làm thế nào để thi công xây dựng an toàn và hiệu quả?
Tai nạn trong thi công xây dựng thường gây ra tổn thất to lớn về người và của. Do đó, nên thực hiện và đảm bảo tốt các công tác đảm bảo an toàn lao động trong quá trình thi công xây dựng để giảm thiểu những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Để phòng hơn là chống, không nên để sự việc xảy ra rồi mới tìm cách xử lý. Dưới đây là một số lưu ý dành cho nhà thầu, đơn vị giám sát và cho công nhân lao động
Lưu ý cho nhà thầu thi công xây dựng
- Trong phương án thi công phải xây dựng biện pháp đảm bảo an toàn cho từng hạng mục công trình theo quy định của pháp luật Việt Nam về đảm bảo an toàn lao động đối với từng loại công trình.
- Trang bị đầy đủ bảo hộ lao động cũng như phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; tổ chức khám sức khỏe định kỳ và bảo hiểm lao động cho công nhân.
- Kiểm định nghiêm ngặt về an toàn lao động đối với các thiết bị, phương tiện cơ giới và đăng ký với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được hoạt động; những người vận hành phải được đào tạo cấp bằng nghề hoặc chứng chỉ sử dụng cũng như là tham gia huấn luyện đầy đủ về kỹ năng an toàn lao động.
Lưu ý cho đơn vị giám sát thi công xây dựng
- Thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc thực hiện biện pháp thi công, biện pháp đảm bảo an toàn của nhà thầu thi công xây dựng.
- Lập kế hoạch xử lý cho tất cả tai nạn, đưa ra các phương án đề phòng, khắc phục, chống đỡ khi có sự cố xảy ra.
Lưu ý đối với người lao động
Bản thân mỗi người công nhân tham gia lao động cần có ý thức tự nâng cao kỹ năng tay nghề của bản thân, tham gia các khóa huấn luyện về an toàn lao động để trang bị cho mình những kiến thức thiết yếu, tác phong làm việc chuyên nghiệp trong công việc.
Nhìn chung, việc thực thi và quan tâm đúng mức đến vấn đề an toàn lao động không còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân, mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó đặc biệt là các doanh nghiệp xây dựng.
Một doanh nghiệp xây dựng thực hiện tốt các công tác an toàn lao động trong quá trình thi công xây dựng chính là hành động thiết thực giữ gìn tính mạng, bảo vệ sức khỏe cho người lao động, đồng thời góp phần cải thiện hình ảnh và uy tín của mình với các chủ đầu tư dự án.
An toàn lao động là bảo vệ chính bản thân mình!
Nguồn: https://lpc.vn